Người nước ngoài mua nhà Việt Nam: Chủ trương đúng, hiệu quả chưa cao

Người nước ngoài mua nhà Việt Nam: Chủ trương đúng, hiệu quả chưa cao Mặc dù chủ trương đúng nhưng sau 5 năm, mới có rất ít tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua và sở hữu nhà. Trong số 126 trường hợp, hầu hết tập trung ở phía Nam như Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa… - những địa phương thu hút dự án

Mặc dù chủ trương đúng nhưng sau 5 năm, mới có rất ít tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua và sở hữu nhà. Trong số 126 trường hợp, hầu hết tập trung ở phía Nam như Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa… - những địa phương thu hút dự án đầu tư nước ngoài mạnh.

Chính sách có tới 5 đối tượng được mua sở hữu nhà tại Việt Nam nhưng thực tế mới có các cá nhân mua nhà là chủ yếu (chiếm 80%), còn lại là pháp nhân - doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Theo phản ánh của các địa phương, sở dĩ ít tổ chức, DN mua nhà ở là do chi phí mua nhà quá cao so với chi phí thuê nhà ở cho người nước ngoài sang làm việc. Phần khác, DN lại không được cho thuê lại hay bố trí cho cá nhân trong nước sử dụng khi nhà đã mua không sử dụng hết hoặc bỏ trống khi chuyên gia nước ngoài về nước.

Có DN khi đầu tư vào Việt Nam đã xây dựng luôn khu nhà ở bố trí cho người nước ngoài sang làm việc tại dự án để giảm chi phí và dễ dàng quản lý nhân sự, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt. Có trường hợp muốn mua nhà ở nhưng khu vực DN đầu tư, hoạt động lại không có nhà ở chung cư bán, hoặc có nhưng không đáp ứng điều kiện ở cho chuyên gia nước ngoài. Ngay cả các cá nhân sở hữu nhà ở tại Việt Nam, phần lớn là nhóm đối tượng kết hôn với người Việt Nam. Các nhóm khác rất ít, thậm chí không có (như trường hợp được tặng huân, huy chương hay có đóng góp đặc biệt…).

Việc nới quy định vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, chính sách đã có những hạn chế nhất định nên không khuyến khích được nhiều tổ chức cá nhân nước người vào Việt Nam mua nhà ở. Cụ thể, còn nhiều đối tượng có nhu cầu mua nhà nhưng quy định lại chưa cho như người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, làm việc tại DN nhưng không giữ chức danh quản lý, thậm chí cả người nước ngoài học tập, nghiên cứu hay giảng dạy tại cơ sở giáo dục tư nhân…

Thứ nữa, quy định hạn chế quyền lựa chọn mua nhà như chỉ cho phép mua chung cư tại dự án nhà ở thương mại mà không được sở hữu nhà ở riêng lẻ. Và như đã nói, nhà chỉ được sử dụng để ở mà không được cho thuê, kinh doanh khi tạm thời không có nhu cầu sử dụng… hạn chế quyền đối với chủ sở hữu nhà. Trong khi đó, quy định hạn chế số lượng nhà ở được phép sở hữu hay hạn chế về thời gian (sở hữu có thời hạn 50 năm) không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà mặc dù có nhu cầu sử dụng.

Trong văn bản đề xuất mới nhất, Bộ Xây dựng cho rằng nên bổ sung thêm đối tượng và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam như tất cả các cá nhân được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên, trừ người đang làm việc tại cơ quan ngoại giao hay tổ chức phi chính phủ. Các quỹ đầu tư, ngân hàng, chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài cũng được phép mua, sở hữu nhà. Không chỉ có nhà chung cư, tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể được sở hữu cả nhà riêng lẻ (có giới hạn diện tích đất), mức giá do Chính phủ quyết định để tránh việc mua nhà giá rẻ, tác động xấu đến loại nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp.

Riêng số lượng nhà được sở hữu có hai phương án: Thứ nhất, không hạn chế số lượng, căn cứ số lượng người làm việc để cho phép sở hữu căn hộ chung cư hay nhà riêng lẻ. Thứ hai, giới hạn số lượng không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ. Về thời hạn sở hữu, Bộ đề nghị giữ quy định thời hạn 50 năm và cho phép gia hạn thêm 1 lần 50 năm; hoặc cho phép sở hữu không quá 70 năm và không được gia hạn. Quyền của người sở hữu cũng được nới hơn như cho thuê, sử dụng vào mục đích khác; được bán, cho tặng sau thời hạn 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận. Theo Bộ Xây dựng, việc nới quy định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thông thoáng vừa tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản, tăng tính thanh khoản cho thị trường khi có thêm nhóm đối tượng có khả năng sở hữu nhà ở.

Theo chương trình xây dựng luật, Quốc hội sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014. Bộ Xây dựng sẽ bổ sung thêm nội dung sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tại dự luật này. Tuy nhiên, Bộ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 trong kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2014 cho đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành (vào giữa năm 2015) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
(Theo HNM)