Quy hoạch đô thị nhìn từ việc Tập đoàn Nam Cường trả lại dự án?

Quy hoạch đô thị nhìn từ việc Tập đoàn Nam Cường trả lại dự án? Việc trả lại dự án của Tập đoàn Nam Cường một lần nữa khẳng định những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị.

Việc trả lại dự án của Tập đoàn Nam Cường một lần nữa khẳng định những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị.

Những ngày qua, thông tin về việc Tập đoàn Nam Cường đề xuất với thành phố Hà Nội trả lại dự án khu đô thị Quốc Oai mà trước đó là dự án khu đô thị Thạch Thất đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp xin trả lại dự án bất động sản.

Theo thông tin từ Tập đoàn Nam Cường, nguyên nhân của việc xin trả lại dự án khu đô thị Quốc Oai là do quy hoạch chung thay đổi, tương tự như nguyên nhân trả lại dự án khu đô thị Thạch Thất trước đó. Cùng với việc xin trả lại dự án, Tập đoàn Nam Cường cũng đề xuất với UBND thành phố Hà Nội được giao các dự án phù hợp với quy hoạch chung để hoàn vốn dự án đường trục Bắc Nam theo hình thức xây dựng, chuyển giao (gọi tắt BT). Các dự án này đã được UBND thành phố chấp thuận cho Tập đoàn được ứng vốn để lập quy hoạch chung, sau khi quy hoạch các khu đô thị được phê duyệt thành phố sẽ cân đối để giao quỹ đất đối ứng cho Tập đoàn theo giá trị tuyến đường.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Quốc Oai

Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp xin trả lại dự án bất động sản và là dự án quy mô lớn. Ở khía cạnh tích cực, có thể thấy đây là một việc làm mạnh dạn của doanh nghiệp, để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, tránh sa đà, đầu tư dàn trải gây tổn thất cho doanh nghiệp và lãng phí cho xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường bất động sản trầm lắng, cơ hội hồi phục có thể chỉ tới sau 2 - 3 năm nữa, việc trả lại dự án của Nam Cường có thể coi là một phép tính khôn ngoan, nhất là khi những dự án doanh nghiệp này trả lại đều không phù hợp quy hoạch chung. Trả dự án không phù hợp với quy hoạch đồng thời đề nghị được giao những dự án phù hợp hơn sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho chính doanh nghiệp và phần nào lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư thứ cấp, những người tham gia góp vốn cùng dự án.

Thế nhưng, việc trả lại dự án của Tập đoàn Nam Cường một lần nữa khẳng định những bất cập đã được nhắc đến từ lâu trong công tác quy hoạch đô thị và phát triển thị trường bất động sản trên cả nước. Đó là tình trạng giao dự án “chạy trước” quy hoạch để hưởng những lợi ích mà cơn sốt bất động sản mang lại. Bản Quy hoạch chung của Hà Nội được thông qua từ giữa năm 2011, như vậy rõ ràng hai dự án mà Tập đoàn Nam Cường trả lại đã được giao trước đó nhiều năm khi thị trường bất động sản còn sôi động nên giờ đây không còn hợp với quy hoạch.

Thực trạng này dẫn đến một hệ lụy khác là số tiền tham gia góp vốn của những người mua bất động sản hoặc nhà đầu tư thứ cấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù phía doanh nghiệp khẳng định không ảnh hưởng đến tài chính nhà đầu tư bởi dự án chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, thành phố sẽ xem xét để thanh toán cho nhà đầu tư phần kinh phí chuẩn bị đầu tư. Nhưng khi được trả lại, liệu số tiền đó có còn nguyên giá trị? Và như vậy là một phần ngân sách của Nhà nước lại phải bỏ ra cho những quyết định giao dự án “tranh thủ” trước đó.

Hiện nay, ở Hà Nội vẫn còn hàng loạt dự án dù đã chậm tiến độ nhiều năm nhưng chủ đầu tư chưa hề có ý định trả lại dự án cho thành phố. Ví như Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội với 3 dự án đang chậm tiến độ 5 - 6 năm so với cam kết ban đầu, hay Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) sau 9 năm triển khai khu đô thị mới Nam An Khánh mới san nền được một phần…

Từ đó dẫn đến một thực trạng có hàng trăm dự án bất động sản trong cả nước phải điều chỉnh lại quy hoạch, thậm chí phải thu hồi. Con số này theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng là 413 dự án phải điều chỉnh quy hoạch và 411 dự án phải tạm dừng triển khai. Đó mới chỉ là số dự án của trên dưới 40 tỉnh thành phố đã gửi báo cáo về Bộ Xây dựng, còn khoảng 20 tỉnh thành nữa chưa báo cáo. Hệ quả là, hàng nghìn tỷ đồng vốn góp của người mua bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp bị “chôn” trong bất động sản; hàng nghìn hec ta đất bị bỏ hoang, lãng phí; hàng vạn hộ dân tại các khu vực có dự án bị xáo trộn cuộc sống.

Dự báo, có thể đến cuối năm 2014, thị trường bất động sản sẽ hồi phục. Liệu lúc đó có lặp lại tình trạng "chạy" dự án để “giữ chỗ” như đã xảy ra thời gian vừa qua? Sẽ không có gì đảm bảo, nếu như Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không siết chặt hơn nữa công tác quy hoạch và thẩm định dự án trước khi cấp phép xây dựng.

Chỉ khi nào công tác quy hoạch thực hiện được đúng yêu cầu: công khai, minh bạch thì khi ấy Nhà nước, người dân và bản thân các doanh nghiệp mới tránh được những sự lãng phí không đáng có như hiện nay.

(Theo VOV)