Sẽ điều chỉnh quy hoạch trung tâm Tp.HCM?

Sẽ điều chỉnh quy hoạch trung tâm Tp.HCM? Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của Tp.HCM đã được công bố hồi tháng 5/2013. Khu vực rộng 930ha bao gồm toàn bộ quận 1, quận 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh.

Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của Tp.HCM đã được công bố hồi tháng 5/2013. Khu vực rộng 930ha bao gồm toàn bộ quận 1, quận 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh.

Đồ án quy hoạch được đơn vị tư vấn Nhật Bản là Nikkei Sekkei thực hiện. Cùng với đồ án quy hoạch, khu vực trung tâm Tp.HCM còn có một công cụ quản lý về kiến trúc khác, đó là Quy chế quản lý kiến trúc.

Có ý kiến đề xuất… tăng dân số

Sau nhiều năm tìm kiếm, Cảng Sài Gòn vừa tìm được đối tác phù hợp để hợp tác cùng chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng và Khánh Hội từ kinh doanh cảng biển sang trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ…

Ông Nguyễn Ngọc Tới, Thư ký Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn, cho biết đối tác này là Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup và mọi thỏa thuận giữa hai bên đã cơ bản hoàn tất. Cảng Sài Gòn đang chờ sự phê duyệt của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - cơ quan cấp trên của Cảng Sài Gòn. Mục tiêu của Cảng Sài Gòn trong hợp tác là tìm kiếm nguồn tài chính từ đối tác, phục vụ cho công tác di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội thành, phát triển cảng Sài Gòn mới ở Hiệp Phước (Tp.HCM) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, trước mắt Cảng Sài Gòn sẽ có ngay khoảng 300 tỷ đồng để xây dựng hơn 2,3km đường (trong đó có 2 cây cầu) kết nối đến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Khu cảng này đã xây dựng xong 200m cầu cảng, 2 bến phao và đã có thể tiếp nhận hàng hóa nhưng do chưa có đường bộ kết nối đến nên hiện phải tiếp nhận hàng hóa bằng đường thủy. Bất cập này đã khiến Cảng Sài Gòn gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Nỗi bức xúc vì không có đường kết nối đã được Cảng Sài Gòn báo cáo nhiều lần với Bộ Giao thông Vận tải và UBND Tp.HCM… Thế nhưng, do không có tiền, nỗi bức xúc trên đã không được giải tỏa… cho đến khi Cảng Sài Gòn đạt được thỏa thuận với Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tới cũng cho hay, vẫn còn một nút thắt trong sự hợp tác này. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, nếu thực hiện công tác chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng và Khánh Hội đúng theo quy hoạch khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng Tp.HCM, không có hiệu quả về kinh tế. Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đề nghị được đề xuất thành phố điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích dành cho căn hộ thương mại. Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM trình bày rõ quan điểm này. Ông Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, xác nhận đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup xin tăng chỉ tiêu dân số lên khoảng 2 lần so với chỉ tiêu trong quy hoạch. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM đang xem xét trình UBND Tp.HCM quyết định.

Trung tâm Tp.HCM. Ảnh: CAO MINH

Sẽ thẩm định “quan điểm không hiệu quả về kinh tế”

Ông Trương Trung Kiên cho biết, trong những tình huống như vậy, thành phố sẽ giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính xem xét đánh giá đề xuất của nhà đầu tư. Cân đối đánh giá này với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, lãnh đạo thành phố sẽ có quyết định cuối cùng. Dù mới được công bố song trên thực tế quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm hiện hữu mở rộng của Tp.HCM đã chính thức được thực hiện từ năm 2009. Hơn nữa, sau khủng hoảng kinh tế, thị trường nhà đất đóng băng… mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn với thực tế vì thế là điều hết sức bình thường và được Luật Quy hoạch đô thị cho phép, ông Trương Trung Kiên nhận xét.

Chưa biết thành phố sẽ trả lời như thế nào trước đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên có một thực tế là khá nhiều đồ án quy hoạch, trong đó có cả những quy hoạch lớn, được đầu tư công phu với tư vấn nước ngoài thực hiện đã phải điều chỉnh do nhiều chỉ tiêu trong đồ án đặc biệt là chỉ tiêu xây dựng nhà, căn hộ, trung tâm thương mại… không hấp dẫn nhà đầu tư. Quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm do tư vấn Mỹ thực hiện đã phải điều chỉnh cục bộ, tăng thêm khoảng 40% diện tích sàn xây dựng sau nhiều năm công bố mà không thu hút được đầu tư như mong muốn.

Bên cạnh khu vực cảng Nhà Rồng và Khánh Hội của Cảng Sài Gòn, một số khu vực khác trong khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của Tp.HCM cũng đang được nhiều nhà đầu tư cân nhắc. Theo một doanh nhân (xin không nêu tên) thuộc Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, khu trung tâm thành phố là khu đất “kim cương”. Với giá trị của kim cương, chi phí đầu tư chắc chắn sẽ không thấp. Chính vì vậy, nếu chỉ tiêu xây dựng thấp sẽ không thu hút được nhà đầu tư. “Nếu có vào (khu trung tâm) nhất định nhà đầu tư sẽ xin điều chỉnh quy hoạch” - doanh nhân này nói. Như vậy, khả năng đồ án quy hoạch khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng Tp.HCM phải điều chỉnh là rất lớn.

Các tư tưởng chính trong đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu mở rộng Tp.HCM: hạn chế tăng dân số ở khu trung tâm; hạn chế phát triển công trình cao tầng ở khu vực lõi của trung tâm, chỉ tập trung phát triển cao tầng, thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn; mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn; nối dài một số trục đường, đặc biệt là trục đường Lê Lợi từ Nhà hát TP qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận với bờ sông Sài Gòn…

(Nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM)
(Theo SGGP)