Ảnh hưởng bởi BĐS, nhiều chủ đầu tư dự án BT "buông tay"

Ảnh hưởng bởi BĐS, nhiều chủ đầu tư dự án BT Thị trường bất động sản xuống dốc không phanh kéo theo sự đình trệ của hàng loạt dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Nhiều nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực dẫn đến không ít dự án phải dở dang hoặc tự gạch tên khỏi d

Thị trường bất động sản xuống dốc không phanh kéo theo sự đình trệ của hàng loạt dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Nhiều nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực dẫn đến không ít dự án phải dở dang hoặc tự gạch tên khỏi danh mục đã được duyệt.

Một số dự án BT mắc kẹt nhiều năm vì phải chờ quy hoạch


63 dự án, mới hoàn thành 5

Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, TP đang có 63 dự án BT được triển khai. Kết quả kiểm tra, rà soát mới đây cho thấy, mới chỉ có 5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm Bảo tàng Hà Nội, Cung Trí thức, đường trục phía Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài và Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở. Trong số các dự án còn lại, có dự án đang triển khai dở dang do liên quan đến quy hoạch. Ví dụ dự án đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ), bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Dự án này bị ảnh hưởng về quy mô, tính chất và một phần phạm vi tuyến đường. Quỹ đất đối ứng của dự án cũng phải xem xét lại do nằm trong vành đai xanh. Kết quả, dù đã khởi công xây dựng từ năm 2007 và chủ đầu tư đã phải bỏ ra số kinh phí khổng lồ nhưng dự án tới nay đành nằm im bất động. Không chỉ phía chủ đầu tư hết sức lo lắng, các địa phương trong phạm vi GPMB dự án cũng rất bức xúc bởi đất sạch (đã GPMB) phải bỏ hoang chờ quy hoạch.

Hàng loạt dự án khác cũng trong tình cảnh tương tự như dự án tuyến đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến Xuân Phương; dự án đường Đỗ Xá - Quan Sơn; dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên... Có dự án đến nay đã thực hiện được trên 80% khối lượng công việc nhưng quỹ đất đối ứng chưa xác định được nên chưa triển khai các thủ tục về quy hoạch chi tiết, đầu tư, GPMB... Ngoài ra, Hà Nội hiện có 19 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng công tác triển khai cũng rất chậm. Các nhà đầu tư đều cam kết với TP sẽ tiếp tục triển khai dự án nhưng tiến độ cụ thể vẫn rất mờ mịt.

“Chết” theo bất động sản

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Gia Phương cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới sự trì trệ của các dự án BT. Thứ nhất, do quy hoạch chuyên ngành (chủ yếu là Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải) và các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng đô thị vệ tinh chưa được phê duyệt dẫn đến việc xác định phạm vi quy mô của một số công trình BT và xác định quỹ đất đối ứng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, GPMB thực hiện chưa đáp ứng tiến độ của dự án. Đặc biệt, theo Sở KH-ĐT, suy thoái kinh tế trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động đầu tư theo hình thức BT. Khả năng cung cấp, cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các nhà đầu tư khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Trong khi đó, sự tụt dốc không phanh của thị trường bất động sản khiến nhu cầu của đa số các nhà đầu tư giảm mạnh. Có lãnh đạo TP từng nói thẳng, các nhà đầu tư BT trước nay không nhìn vào dự án mà chỉ nhắm vào các lô đất đối ứng. Nay, khi  thị trường rơi xuống đáy, sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đã nguội lạnh theo.

Dù kinh tế hết sức khó khăn, song không có nghĩa tất cả các dự án BT đều “ngắc ngoải”. Một số nhà đầu tư vẫn đề xuất TP có giải pháp tháo gỡ để họ tiếp tục dự án. Vì thế, Sở KH-ĐT Hà Nội đã đề nghị TP khẩn trương nghiên cứu, sớm thực hiện các thủ tục về quy hoạch của một số dự án giao thông trọng điểm trong Quy hoạch hệ thống giao thông vận tải Thủ đô để có cơ sở triển khai thực hiện. Sở KH-ĐT cũng cho rằng, TP cần ưu tiên tập trung triển khai các công trình BT trọng điểm, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội Hà Nội như dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn đường 70; Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (nút giao Cầu Chui cũ); Đường trên cao dọc đường vành đai II, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; Bệnh viện 1.000 giường tại huyện Mê Linh... Sở KH-ĐT cũng kiến nghị TP yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung đôn đốc GPMB, tránh để kéo dài, chậm tiến độ công trình và làm tăng tổng vốn đầu tư các dự án...
 

Thanh toán bằng tiền rất khó khăn

Có tới 25 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, Tổng Công ty Sông Đà cũng đã có văn bản xin thôi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận Hà Nội. Có nhà đầu tư đề nghị được chuyển từ phương án thu hồi vốn đầu tư công trình BT sang thanh toán bằng tiền nhưng TP cũng thừa nhận, khả năng cân đối ngân sách để thanh toán bằng tiền sẽ rất khó khăn. Do đó, cách duy nhất là tiếp tục cân đối bằng dự án khác. Trường hợp nhà đầu tư không thống nhất, TP đành lựa chọn nhà đầu tư khác.
(Theo ANTĐ)