"Không nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam"
"Điều kiện kinh doanh quá dễ dãi nên mới có chuyện nhà nhà kinh doanh. Có lẽ trên thế giới không có nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam", TS Trần Du Lịch phát biểu tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM về tình hình thực hiện Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở trên địa bàn thành phố, sáng 6/9.
Theo ông Lịch, đây là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Bí quyết kinh doanh bất động sản gói gọn trong 2 điều, thứ nhất là chọn địa điểm đúng và thứ hai là biết sử dụng đồng tiền của người khác để đầu tư. "Yếu tố thứ hai được ràng buộc bởi sự quản lý của Nhà nước có chặt chẽ về năng lực tài chính hay không. Nếu không, người ta sẽ tận dụng điều này để gây thiệt hại cho khách hàng là đối tượng yếu thế", ông Lịch phân tích.
Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM: "Có lẽ trên thế giới không nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam". |
Bàn về Luật nhà ở hiện nay, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết đang có 3 loại là nhà ở thương mại, xã hội và công vụ nhưng không có định nghĩa rõ ràng để xác định nhà nào thuộc loại nào mà chỉ mặc nhiên hiểu. Vì vậy, vừa qua khi triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ, các địa phương đã gặp vướng ở khái niệm thế nào là nhà ở xã hội.
"Tôi muốn hỏi ý kiến các đồng chí là nên chăng, sắp tới chúng ta có định nghĩa cụ thể từng loại nhà ở xã hội và thương mại không. Quan điểm của tôi, cái nào cũng là nhà ở thương mại cả vì với chủ đầu tư thì dự án nào cũng mang tính thương mại, không ai làm từ thiện hết, còn chính sách xã hội là chuyện của Nhà nước. Tôi có cảm tưởng Luật hiện nay cứ dàn đều cả mâm món chay có món mặn có, ăn thế nào cũng được", ông Lịch nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lịch, hiện có tình trang nhiều Nghị định, thông tư đang đứng trên Luật, bổ sung Luật chứ không phải cụ thể Luật. Như khoản 4, điều 9 Nghị định 71 quy định chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động vào đúng mục đích, nếu sai thì hợp đồng không có giá trị và xử lý theo quy định hiện hành. "Như thế này thì khỏe quá, giao tiền cho anh 3 năm xong anh bảo làm sai rồi thông báo hủy hợp đồng. Nếu là tôi, tôi xin sẵn sàng hủy liền", ông Lịch nói và cho biết đây là ví dụ rõ nét nhất cho việc Nghị định đang đứng trên Luật khiến cho Luật của Quốc hội trở nên vô nghĩa.
Tiếp tục nêu vấn đề để các sở, ngành thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, Quốc hội xây dựng Luật bất động sản là để giúp thị trường hoạt động tốt, lành mạnh hơn và tăng cường nguồn lực quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đang không giống những gì chúng ta mong đợi, ở đâu cũng nghe nói bất động sản đang bị đóng băng, rất khó khăn. "Xin các đồng chí cho biết là việc đóng băng này là do Luật gây ra, không phù hợp hay là do các yếu tố nào khác", ông Hòa nói.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, Luật kinh doanh bất động sản đã giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố. |
Theo ông Hòa, hiện nay cơ cấu bất động sản không hợp lý vì cái cần thì ít mà cái không cần thì đang quá nhiều. Vì vậy, vấn đề đặt ra là Luật bất động sản có chế tài được điều này, hay là không ai quản lý cả, trong khi chính các cơ quan quản lý là người phê duyệt dự án dẫn đến việc ai muốn phát triển loại nhà nào cũng được.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (Horea) cho biết khoản 1, điều 39 Luật Nhà ở hiện chỉ cho phép chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng sau khi đã xây dựng xong phần móng là chưa hợp lý. Ông kiến nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn sau khi đã giải phóng xong mặt bằng, đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và nộp tiền sử dụng đất. “Tại thời điểm này chủ đầu tư cần được bổ sung vốn trong đó có nguồn huy động vốn từ khách hàng”, ông Châu lập luận.
Cũng theo vị Chủ tịch tịch Horea, hiện khoản 5, điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “UBND nơi có dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có trách nhiệm tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng. Song, trên thực tế doanh nghiệp đều phải tự “bơi” và đây lại là công việc khó khăn nhất, đầy rủi ro nhất của doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị quỹ đất. “Đề nghị Luật cần thể chế hóa thành cơ chế chính sách cụ thể để chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng”, ông Châu kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại diện Horea cũng đề nghị Quốc hội sửa đổi chính sách thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình và doanh nghiệp theo hướng không tận thu, thu trước một lần như hiện nay. Vì doanh nghiệp bất động sản vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thị trường vừa phải nộp tiền sử dụng đất cũng theo giá thị trường nhưng không được khấu trừ đầy đủ chi phí thật sự đã bỏ ra khi bồi thường giải phóng mặt bằng nên gần như doanh nghiệp phải mua đất 2 lần. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mặt bằng giá bất động sản ở nước ta không hợp lý”, ông Châu cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, TS Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các sở, ngành cũng như đại diện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để đem ra thảo luận cho việc chỉnh sửa Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản trong kỳ hợp Quốc hội sắp tới.
Báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Nguyễn Văn Danh cho biết từ khi có Luật Nhà ở (2005), toàn thành phố đã phát triển được gần 52.000 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, trung bình mỗi năm xây được 8,3 triệu m2. Tính đến tháng 3 năm nay, thành phố đã cấp được 375 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người Việt Nam ở nước ngoài. Từ khi có Luật Kinh doanh bất động sản (2006), thị trường bất động sản thành phố phát triển mạnh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa với tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 1.000 ha. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay thành phố có hơn 13.000 giao dịch bất động sản được thực hiện qua sàn với tổng giá trị hơn 27.300 tỷ đồng. |
Các tin khác
Long An: Thu hồi 3 dự án tại huyện Cần Giuộc (11-04-2016)
Hà Nội: Giải quyết những vướng mắc trong phát triển NƠXH (19-08-2014)
Sẽ cấp sổ đỏ cho dự án nhà ở vi phạm xây vượt tầng tại Hà Nội (18-08-2014)
Tỷ phú Forbes sẽ gặp các ông lớn BĐS Việt Nam (15-01-2014)
Cần Thơ vẫn kẹt nhà thu nhập thấp (27-09-2013)
Chung cư cao cấp chất lượng...xuống cấp! (26-08-2013)
Chuyển nhượng BĐS nhộn nhịp trở lại (26-08-2013)
Hà Nội: Đất nền ngoại ô chịu sự cạnh tranh từ nhà thu nhập thấp (26-08-2013)
Dự án KĐT Sing Việt: Chậm triển khai vì vướng đền bù (26-08-2013)
Thị trường căn hộ cao cấp chuyển hướng (26-08-2013)
Các ông lớn không dể thoái vốn khỏi bất động sản (26-08-2013)
BĐS "trầm lắng" vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài (26-08-2013)
Hà Nội: Nhà đất thổ cư ngoại ô "lên ngôi" (26-08-2013)
BĐS tuần 4 tháng 8: Nhiều thông tin đáng chú ý (26-08-2013)
Nhà cho người nước ngoài thuê tại Hà Nội: Gia tăng sức ép giảm giá (26-08-2013)